Kinh nghiệm dịch thuật của dịch thuật viên uy tín tại Panda

Thảo luận trong 'Việc làm công ty' bắt đầu bởi duccv, 14/1/18.

Lượt xem: 880

  1. Offline

    duccv Active Member
    • 1/6

    Bài viết:
    14
    Sau đây là một số kinh nghiệm dịch thuật được tổng hợp bởi http://dichthuatpanda.com/dich-thuat, đã từng được chia sẻ rải rác trên trang Facebook của Dự án, nay tập hợp lại đây để các bạn tiện theo dõi:

    1. Để có thể biên dịch tốt, người dịch không chỉ cần giỏi tiếng Anh mà cần giỏi cả tiếng Việt. Thực tế rất nhiều người tiếng Anh rất tốt, có thể hiểu được văn bản gốc, nhưng khi dịch lại không diễn đạt được chuẩn xác, trôi chảy, khúc chiết. Vì vậy bên cạnh việc trau dồi tiếng Anh thì nâng cao khả năng diễn đạt tiếng Việt là điều cần thiết. Để đạt được điều này trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế, các bạn nên đọc càng nhiều tài liệu tiếng Việt càng tốt. Điều này không chỉ giúp các bạn làm quen với các ý tưởng, khái niệm trong lĩnh vực này, mà còn giúp các bạn có thể học hỏi được các cách diễn đạt, trình bày ý tưởng phù hợp, hiệu quả.

    2. Khi dịch nói cũng như dịch viết, có kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình đang dịch là điều tối cần thiết để có thể dịch chính xác. Ví dụ, vì thiếu kiến thức thời sự nên có thí sinh trong kỳ thi tuyển công chức vào một “cơ quan cấp Bộ phụ trách đối ngoại” đã dịch West Bank (Bờ Tây sông Jordan) thành… Ngân hàng Phương Tây, còn một thí sinh khác dịch luôn tên riêng Kim Jong Il thành…. Kim Jong Đệ Nhị!!!
    Để tránh tình trạng trên và có thể dịch tốt trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế, các bạn nên trang bị và thường xuyên cập nhật cho mình kiến thức về lĩnh vực này qua các tin tức thời sự, các bài bình luận quốc tế, các sách chuyên khảo, hay đơn giản là nên các bản dịch của Nghiencuquocte.net xuất bản mỗi tuần!

    3. Nếu bạn muốn thành một biên dịch tốt, cẩn thận là một đức tính cần thiết. Theo đó, bạn cần lưu tâm tới từng chi tiết nhỏ nhất để có thể có một bản dịch chính xác, hoàn thiện. Ví dụ, nhiều bạn CTV thường bỏ qua việc chuyển các con số kiểu tiếng Anh sang kiểu tiếng Việt khi thực hiện các bản dịch Anh – Việt. Ví dụ, “21,500 people” trong bản tiếng Anh khi dịch sang tiếng Việt chúng ta phải chuyển thành “21.500 người”. Tương tự, “1.5 per cent” chúng ta phải chuyển thành “1,5%”. Những chi tiết như vậy tưởng nhỏ nhưng nó nói lên rất nhiều điều về mức độ cẩn thận và chuyên nghiệp của người dịch. Trong mọi công việc khác cũng vậy, việc chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất sẽ giúp bạn tạo được sự tin cậy từ các sếp, giúp bạn dễ dàng phát triển hơn trong nghề nghiệp của mình.

    4. Trong quá trình dịch sẽ không tránh khỏi những lúc chúng ta bắt gặp những từ, cụm từ, khái niệm… mà chúng ta chưa bao giờ gặp, hoặc ngay cả từ điển cũng không có. Trong trường hợp đó, thay vì nhắm mắt dịch bừa theo cảm tính, chúng ta nên nghiên cứu qua từ ngữ, khái niệm đó để có thể dịch chính xác nhất, đồng thời cũng là cách giúp chúng ta học được thêm các kiến thức mới trong quá trình dịch. Cách đơn giản nhất để làm việc này là dùng Google, và các kết quả từ Wikipedia thường rất hữu ích.
    Ví dụ: The treaties gave lip service to the principle “cuius regio, eius religio” that the prince could set the religion of his territory.
    Trong câu này cụm từ Latin “cuius regio, eius religio” có thể làm bạn bối rối. Hãy tham khảo link đầu tiên trong kết quả tìm kiếm đính kèm và chúng ta biết rằng nó có nghĩa là “Whose realms, his religion” – “lãnh địa của ai, tôn giáo của người đó”, một nguyên tắc về khoan dung tôn giáo được xác lập bởi Hòa ước Westphalia.

    5. Khi có một tính từ đứng trước một nhóm các danh từ, chúng ta cần xác định tính từ đó chỉ bổ nghĩa cho danh từ đầu tiên, hay cho tất cả các danh từ. Đây là một lỗi thường gặp khi các CTV có xu hướng mặc định rằng tình từ đó chỉ bổ nghĩa cho danh từ đầu tiên.
    Ví dụ 1: Organization of Economic Cooperation and Development .
    – Dịch sai: Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển.
    – Dịch đúng: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế
    Ví dụ 2: The basic values, attitudes, behavioral patterns of the two societies could hardly be more different.
    – Dịch sai: Các giá trị cơ bản, thái độ và mẫu hình hành vi của hai xã hội khó có thể khác nhau được hơn nữa.
    – Dich đúng hơn: Các giá trị, thái độ và mẫu hình hành vi cơ bản của hai xã hội là vô cùng khác nhau.

    6. Trong tiếng Anh nhiều từ có nhiều nghĩa khác nhau, vì vậy cần hiểu được bối cảnh và nên kiểm tra các nghĩa khác nhau của từ nếu thấy nghi ngờ để chọn được nghĩa phù hợp với ý của tác giả.
    VD: Một số CTV đã dịch nhầm từ “intelligence” thành “trí thông minh” trong các bối cảnh mà nó có nghĩa là “tin tức tình báo”.

    7. Khi có một câu bắt đầu bằng một đại từ vô nhân xưng (như “it is…”), chúng ta nên đảo trật tự câu dịch (đưa mệnh đề có đại từ vô nhân xưng ra sau) để nghe thuận tai, thuần Việt hơn.
    Ví dụ, câu gốc: “But it is not clear that nationalism represents an irreconcilable contradiction in the heart of liberalism”.
    Câu dịch đề xuất: Thế nhưng việc chủ nghĩa dân tộc có đại diện cho một mâu thuẫn không thể hòa giải nổi trong lòng chủ nghĩa tự do hay không là điều chưa rõ ràng.

    8. Mặc dù chữ “become” có thể được dịch là “trở thành” hay “trở nên”, chúng ta cần chọn cách dịch phù hợp cho từng tình huống cụ thể. Thông thường sau “trở thành” là một danh từ, còn sau “trở nên” là một tính từ. Việc sử dụng lẫn lộn hai từ này đã xảy ra trong một số bản dịch dù không nhiều.
    Ví dụ:
    – China has become one of the world’s major manufacturing centers => Trung Quốc đã TRỞ THÀNH một trong những trung tâm chế tạo lớn của thế giới.
    – Antonio Gramsci has provided another version of this Marxian
    idea that has become influential in the study of international relations. => Antonio Gramsci đã cung cấp một phiên bản khác của tư tưởng Marx vốn TRỞ NÊN có nhiều ảnh hưởng trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.

    9. Trong tiếng Anh, một số từ như However, For example, Unfortunately,… có thể được đặt giữa câu, nhưng khi dịch sang tiếng Việt chúng ta nên đưa chúng lên đầu câu để câu văn trôi chảy và thuần Việt.

    10. Đối với tên các quốc gia, thông thường chúng ta sử dụng các tên gọi quen thuộc bằng tiếng Việt (như Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ…), hoặc giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Anh của các nước đó (như Indonesia, Malaysia, Iran, Ethiopia..). Tuy nhiên có một vài trường hợp chúng ta nên thay đổi tên gọi tiếng Anh của các nước khi chuyển ngữ sang tiếng Việt để người đọc dễ nhận biết hơn, đặc biệt là 2 trường hợp Georgia => Gruzia, Lithuania => Litva.

    11. Rất nhiều bạn khi thấy chữ “effectively” thì tự động dịch ngay là “một cách hiệu quả”. Tuy nhiên, trong rất nhiều các trường hợp, chữ “effectively” mang nghĩa thứ hai, tương tự như essentially, basically, hay practically, cần phải dịch là “cơ bản là” hay “trên thực tế là”.
    Ví dụ: The actual transmission costs have become negligible; hence the amount of information that can be transmitted is effectively infinite. (Chi phí truyền tải thực tế đã trở nên rất nhỏ, vì vậy lượng thông tin có thể truyền đi về cơ bản/trên thực tế là vô tận.)
     
    #1

Chia sẻ trang này

Chào mừng các bạn đến với diễn đàn học SEO chúc các bạn có những giây phút thật zui zẻ!
x